Yêu bản thân và 3 khía cạnh quan trọng mà ít ai nói với bạn
- Ly
- 30 thg 6, 2024
- 5 phút đọc
Đã cập nhật: 18 thg 7, 2024
Khái niệm yêu bản thân giờ đây không còn xa lạ với mọi người. Đây không chỉ là một khái niệm tâm lý học mà còn là phong cách sống, phương pháp để cải thiện chất lượng cuộc sống và đạt được hạnh phúc bền vững.
Công tâm mà nói, yêu thương bản thân là một khái niệm phức tạp và sâu rộng, không chỉ đơn thuần là việc dành thời gian cho chính mình hay tự mua món đồ mình thích. Thực tế, yêu thương bản thân còn có nhiều ý nghĩa khác, bao gồm chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất, chấp nhận và đối mặt với những cảm xúc tiêu cực và duy trì một mối quan hệ tích cực với bản thân.
Nửa năm 2024 đã trôi qua, đến lúc chúng ta cập nhật những khía cạnh quan trọng khác của yêu thương bản thân nhé.
1. Chấp nhận bản thân cả ngoại hình lẫn tâm lý
Yêu bản thân, chúng ta thường được khuyên phải yêu cơ thể mình dù gầy hay tròn trịa, yêu cả những vết rạn của cơ thể sau lần sinh nở, yêu cả vết bớt bẩm sinh trên gương mặt… Nhưng thật ra, bạn còn cần yêu cả những đặc điểm tâm lý, tính cách của mình. Yêu thương bản thân không chỉ là việc tôn vinh những điểm mạnh và thành tựu của mình, mà còn bao gồm việc chấp nhận những khuyết điểm và sai lầm. Đây là bước đệm để bạn có cái nhìn thực tế về bản thân, bởi khi đó, bạn sẽ dễ dàng tha thứ cho những sai lầm và “sửa mình” từ những sai lầm đó.

Bạn còn nhớ câu nói này không: "Nhân sinh vi kỷ, thiên kinh địa nghĩa, nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt", nghĩa là “đời người phải biết sửa mình, đó là đạo lý của trời đất. Người không sửa mình trời tru đất diệt”.
Trong cuộc sống, chuyện phạm phải sai lầm là không tránh khỏi. Nhưng cái hay của một người yêu bản thân là học từ sai lầm đó và không cho phép mình lặp lại lỗi sai này. Anne Lamott, một tác giả nổi tiếng, nhấn mạnh rằng yêu bản thân triệt để là yêu thương ngay cả khi ta thấy rõ những thiếu sót và sai lầm của mình.
Trong cuộc sống, chúng ta thường bị áp lực mang tên “hoàn hảo”, áp lực từ cái cân mang tên “so sánh”. Những tiêu chuẩn này không chỉ tạo ra căng thẳng mà còn khiến chúng ta khó tha thứ cho bản thân khi mắc sai lầm. Tuy nhiên, học cách yêu thương bản thân toàn diện đòi hỏi chúng ta thừa nhận rằng không ai hoàn hảo và rằng những thiếu sót cũng là một phần của con người chúng ta.
Cũng lúc này đây, khi bạn học được cách yêu và chấp nhận bản thân, bạn sẽ thấy tự tin hơn, ít bị ảnh hưởng bởi những lời nói, ý kiến của người khác. Xây một cái nền móng thật vững chắc cho bản thân, bạn sẽ ung dung hơn khi bước trên đường đời.
2. Biết quản lý cảm xúc và quản lý căng thẳng
Một phần quan trọng của yêu thương bản thân là khả năng quản lý cảm xúc cũng như quản lý căng thẳng. Thay vì kìm nén hoặc bỏ qua, bạn nên chấp nhận và giải quyết chúng. Yêu bản thân bắt đầu từ việc nhận thức và quản lý cảm xúc của mình. Khi hiểu rõ cảm xúc, bạn có thể có lối hành xử phù hợp trong các tình huống khác nhau. Điều này giúp bạn duy trì sự bình tĩnh và sáng suốt, từ đó đưa ra những quyết định chính xác hơn, cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống.
Còn quản lý căng thẳng là một phần không thể thiếu của việc yêu bản thân. Căng thẳng là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với áp lực, nhưng khi không được quản lý tốt, nó có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất. Thế nên, quản lý căng thẳng giúp bạn duy trì được sự cân bằng trong cuộc sống.

Một trong những kĩ năng để quản lý căng thẳng đó chính là quản lý thời gian hiệu quả, điều này cũng phần nào giúp bạn giảm bớt áp lực và tạo ra một môi trường sống lành mạnh hơn. Nhờ vậy, bạn có thể sống một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Việc quản lý cảm xúc và quản lý căng thẳng đều đóng vai trò quan trọng trong việc yêu thương bản thân. Khi bạn biết cách nhận thức và điều chỉnh cảm xúc của mình, bạn sẽ dễ dàng duy trì sự cân bằng trong các mối quan hệ và cuộc sống hàng ngày. Yêu bản thân thông qua việc quản lý cảm xúc và căng thẳng không chỉ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn mà còn giúp bạn xây dựng một cuộc sống bền vững và đầy đủ.
3. Dành thời gian để lắng nghe chính mình
Cũng là dành thời gian cho bản thân nhưng không phải là đi mua sắm, đi ăn uống hay giải trí gì đâu. Ở đây, bạn cần dành thời gian để lắng nghe chính mình, để hiểu rõ cảm xúc, suy nghĩ và nhu cầu của bản thân. Việc này giúp bạn nhận ra những điều cần thay đổi và cải thiện trong cuộc sống, từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn và phù hợp hơn.
Lắng nghe bản thân cũng bao gồm việc dành thời gian cho những hoạt động mà bạn yêu thích và giúp bạn cảm thấy thoải mái, thư giãn. Mình có một góc nhỏ bí mật, đó là một quán cà phê có sân vườn. Mỗi sáng đưa con đi học xong, nếu không đi tập gym thì mình thường chạy xe đến quán này. Gọi một ly cappuccino yêu thích, mình ngồi đó mà chẳng làm gì lớn lao, cũng chẳng đọc sách, hay lướt mạng xã hội. Một giờ đồng hồ, mình thả lỏng đầu óc, lắng nghe hơi thở và chậm rãi thưởng thức ly cà phê và quan sát xung quanh.
Bạn biết không, giữa những bộn bề của cuộc sống, chúng ta vẫn luôn tìm kiếm những khoảnh khắc yên bình, nơi mà tâm hồn được nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Việc lắng nghe bản thân còn giúp bạn dễ dàng nhận ra những dấu hiệu của căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm. Nhờ vậy, bạn kịp thời tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp bảo vệ sức khỏe tâm lý.
Yêu thương bản thân thông qua việc lắng nghe chính mình là một hành trình bền bỉ và liên tục, đòi hỏi bạn cần làm mỗi ngày, nó giúp bạn xây dựng một cuộc sống cân bằng và ý nghĩa.
Đừng ngần ngại chia sẻ quan điểm của bạn cùng Ly nhé.
Comments