top of page

Bí quyết bắt đầu viết blog và duy trì thói quen viết lách

  • Ảnh của tác giả: Ly
    Ly
  • 31 thg 5, 2024
  • 4 phút đọc

Đã cập nhật: 8 thg 6, 2024

Ở bài viết trước, mình đã xác định rõ 3 lý do mình muốn bắt đầu lập trang blog cá nhân và tập tành viết lách. Và bài viết hôm nay, mình sẽ chia sẻ cách để bắt đầu một trang web để bạn viết blog.

Bạn đã xác định được động lực để bắt đầu viết blog và muốn khám phá thế giới diệu kỳ này? Tuyệt vời! Nhưng làm sao để bắt đầu? Làm thế nào để tìm được đề tài? Làm sao viết được đoạn mở đầu, một tựa đề cho bài viết của mình? Đây chắc hẳn là những trăn trở, những suy nghĩ của khá nhiều người trong chúng ta gặp phải khi bắt tay vào viết.

Vậy nên hôm nay, mình sẽ chia sẻ 5 điều bạn nên lưu ý để bắt đầu viết blog và duy trì thói quen viết lách.

1. Xác định loại nhật kí, loại blog bạn muốn viết

Có nhiều loại nhật kí, blog khác nhau, mỗi loại phục vụ cho mục đích và sở thích riêng. Hãy xác định loại blog phù hợp với bạn để có thể tập trung phát triển nội dung và thu hút độc giả:

  • Nhật kí tự do, nhật kí chánh niệm, nhật kí biết ơn: Với những kiểu nhật kí này, bạn có thể viết về bất kì điều gì bạn muốn mà không bị giới hạn chủ đề hay phong cách. Ngoài ra, bạn còn có thể tập trung vào suy nghĩ, cảm xúc tại thời điểm viết, giúp bạn lắng nghe bản thân nhiều hơn, chiêm nghiệm về những chuyện đã xảy ra. Đồng thời, đây cũng là một cách để ghi lại những điều mà bạn biết ơn trong cuộc sống, giúp bạn có cái nhìn tích cực, lạc quan.

  • Bài viết hướng dẫn, tips: Nếu bạn có kiến thức chuyên môn hoặc kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó, bạn có thể viết bài hướng dẫn hoặc chia sẻ mẹo vặt. Đó có thể là một chia sẻ công thức nấu ăn, chia sẻ kinh nghiệm làm việc, phỏng vấn, thuyết trình…

  • Bài viết review: Nếu bạn là người thích trải nghiệm và thích chia sẻ những trải nghiệm, cảm nhận của mình đến mọi người thì bạn có thể chọn kiểu bài review cho trang web của mình. Với kiểu nội dung này, bạn không cần phải là một cây viết xuất sắc nhưng điều quan trọng là những điều bạn chia sẻ cần là một trải nghiệm thật sự, là cảm nhận của chính bạn. Hãy để những trải nghiệm của bạn là nguồn cảm hứng cho người đọc.

  • Viết truyện ngắn, thơ: Nếu có niềm đam mê với văn học, bạn có thể viết truyện ngắn hoặc thơ để chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc và tưởng tượng của bạn với người đọc. Đừng ngại việc bị đánh giá hay/dở, thoải mái ngồi xuống và viết theo những điều bạn đang tưởng tượng.

  • Viết thư cho chính mình: Viết thư cho chính mình là một cách tuyệt vời để trút bỏ những muộn phiền trong lòng. Việc viết ra những nỗi niềm đó sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn, từ đó hiểu rõ hơn về bản thân và chọn được cho mình một lối đi riêng.

2. Xác định chủ đề, lập dàn ý

Đây là một bước quan trọng sau khi bạn đã xác định được thể loại mà bạn muốn viết. Việc xác định chủ đề giúp bạn xác định ý tưởng chính mà bạn muốn truyền tải trong bài viết. Nó có thể là một vấn đề, một câu hỏi, một quan điểm, hoặc một kinh nghiệm cá nhân.

Còn việc lập dàn ý giúp bạn sắp xếp các ý tưởng một cách mạch lạc, hợp lý. Nó chính xác là bản phác thảo cho bài viết của bạn. Hai bước này, quan trọng lắm đó. Bạn đừng bỏ qua nha.

3. Đặt ra từng mục tiêu nhỏ cho từng ngày

Bạn biết không, khi mới bắt đầu, bạn sẽ thấy rằng có khi ngồi cả ngày không xong được 1 đoạn. Nếu cứ duy trì như vậy, bạn sẽ dễ có cảm giác nản lòng. Do đó, bạn nên bắt đầu viết nhật ký với 15-30 phút cho mỗi lần và tăng dần theo thời gian. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cảm giác chán nản và có động lực để duy trì viết lách hơn.

4. Kiên trì và viết đều đặn

Viết blog là một thói quen mới, vì vậy bạn cần phải kiên trì và nhất quán để duy trì được thói quen này. Bạn có thể chọn bất kỳ thời gian nào trong ngày để viết blog, miễn là nó phù hợp với thời gian biểu của bạn. Ngay cả khi bạn không có gì để viết, hãy cố gắng ngồi xuống và viết một cái gì đó trong nhật ký của bạn.

Cho dù ngày hôm đó bạn không có ý tưởng gì để viết, không có câu chuyện nào để kể, bạn vẫn nên ngồi xuống và viết một cái gì đó. Bạn nhớ khái niệm 21 ngày hình thành thói quen chứ? Đây là lúc để bạn áp dụng đó.

5. Đừng quan tâm người khác nghĩ gì, cứ viết thôi

Điều cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất: đừng quan tâm những lời chỉ trích, phán xét, gạt bỏ những sự kì vọng, chuyện bạn cần làm là cứ viết thôi. Đó là chìa khóa để bạn bắt đầu và duy trì được trang blog của mình.

Đừng quá theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo khi bạn mới bắt đầu. Đây là trang web cá nhân để bạn có thể thể hiện bản thân một cách thuần túy. Đừng để “nhà phê bình” trong bạn phán xét chính mình. Bạn cứ tập trung viết và viết.

Viết blog là một hành trình đầy thú vị và bổ ích. Hãy bắt đầu với những bước nhỏ, kiên trì và không ngừng học hỏi để trau dồi kỹ năng viết lách của bạn.

Chúc bạn thành công!

Nhớ chia sẻ ý kiến của bạn ở phần bình luận nha. Thương mến!

Comments


IMG_7719_edited.jpg

Viết để trưởng thành

Ly bén duyên với viết lách từ năm 2013. Với Ly, viết không phải để thể hiện mà là để hiểu bản thân hơn, trưởng thành hơn. Những điều Ly chia sẻ, có thể cách hành văn không tuyệt vời nhưng đó là những cảm xúc thật. Hy vọng, bạn sẽ đọc được một góc nhìn khác trong cuộc sống và đừng quên chia sẻ ý kiến cùng Ly nhé.

  • Facebook
  • LinkedIn
  • Instagram

Lời nhắn của bạn, Ly sẽ sớm hồi âm

Cảm ơn bạn đã gửi tin nhắn

© 2024 by Hai Ly

  • LinkedIn
  • Facebook
  • Instagram
bottom of page