Bà nội: Người phụ nữ đi qua thời chiến, sống trọn thời bình bằng những bước chân kiên cường
- Ly
- 1 thg 5
- 5 phút đọc
Đã cập nhật: 2 thg 5
Nếu chọn một từ để miêu tả bà nội, mình sẽ chọn: kiên cường.
Không phải kiểu kiên cường hào hùng như trên báo chí, mà là sự kiên cường lặng lẽ. Nó ẩn sâu trong những ngày mòn mỏi đợi chồng, trong từng bước chân nội tập đi lại sau cơn bệnh nặng, trong giọng cười sang sảng dù mới mấy ngày trước còn phải thở oxy, trong sự nỗ lực mỗi sáng đọc báo để cập nhật thế sự.
Một sự kiên cường không ồn ào, không phô trương nhưng lại khiến con cháu rất tự hào.

Ngày còn nhỏ, mình thường nghe kể nhiều về ông nội – về sự nghiệp cách mạng, về những năm tháng tù đày, về chặng đường trở thành một lương y. Còn bà nội, trong các câu chuyện thường là “hậu phương vững chắc”. Chỉ đến khi lớn lên, mình được sống gần bà nội hơn, lắng nghe từng mảnh ký ức vụn vặt, mình mới thật sự hiểu: bà nội lặng lẽ đi cùng ông nội ở mọi chặng đường gian nan nhất.
Người phụ nữ đi qua chiến tranh bằng những bước chân kiên cường
Năm 1950, bà nội tham gia phong trào học sinh sinh viên ngày 9/1, rồi sau đó đi bộ từ Sài Gòn xuống chiến khu Cà Mau. Ở đó, bà làm công tác văn thư. “Nội đánh máy giỏi lắm nha con”, nội kể, mắt ánh lên sự tự hào. Cũng nơi chiến khu ấy, nội gặp ông. Họ nên duyên vợ chồng, và sinh ra hai người con ở đó (là cô Hai và ba của mình), nơi đất rừng Cà Mau.
Năm 1954, khi ba mới hơn hai tháng tuổi, ông bà nội đưa con trở lại Bến Tre, quê hương của ông nội. Bà dạy học, ông tiếp tục hoạt động cách mạng. Họ có thêm vài người con. Rồi sau đó, ông bà lại đưa con cái đến Sài Gòn để phục vụ cho công tác của ông nội.
Chẳng ngờ, đến năm 1960, trong một buổi sáng đang bán báo, bà nội nhận tin ông nội bị địch bắt. Bà nội nhớ như in: “Năm 1960, nội bán báo kiếm sống. Ông nội con cũng có một sạp báo gần đó. Ông nội bán sạp báo lớn, bà nội bán sạp báo nhỏ. Hôm đó, nội đang bán thì nghe tin ổng bị bắt”.
Từ đó, bà nội bắt đầu hành trình đi tìm chồng – người tù chính trị bị giam ở đâu chẳng ai rõ. Người ta chỉ chỗ nào, dù xa đến mấy bà nội cũng đi bộ đến. Có khi mấy chục cây số rồi trở về tay trắng. Một năm ròng như thế, cho đến khi bà biết chính xác ông bị giam ở đâu và được gửi giỏ đồ đầu tiên cho ông. Nhưng nửa năm sau, ông nội bị đày ra nhà tù Côn Đảo – địa ngục trần gian.
5 người con, bà gửi mỗi đứa một nơi. Ba mình – khi ấy mới 7 tuổi – phải tự lên xe đò một mình để về Lộc Ninh sống nhờ nhà cậu mợ. Những năm tháng đó, gia đình tan tác, nhưng bà vẫn một mình gồng gánh giữa mưu sinh, giữa nỗi nhớ chồng, giữa nỗi lo con nhỏ.
3,5 năm sau đó, ông nội được về. Gia đình đoàn tụ và 3 người con nữa lần lượt ra đời.
Ông nghiên cứu sâu hơn về phương pháp trị bệnh trĩ mà ông đã tìm thấy trong những năm tháng nơi lao ngục, ông trở thành lương y và bà vẫn luôn bên cạnh, đồng hành với ông. Cả hai dường như chẳng rời nhau nửa bước. Có lẽ, 5 năm chia cắt trong quá khứ đã là quá đủ, họ chỉ muốn dành hết phần đời còn lại ở bên nhau.

Mình không rõ nội có nhớ nổi hết những năm tháng làm việc hay không. “Nội làm tới chức phó chủ tịch phường lận đó con. Cũng dữ lắm à nghen”, thỉnh thoảng nội sẽ khoe như vậy. Ký ức của nội giờ lúc có lúc không – giống như chiếc radio cũ, khi bắt được sóng thì vang lên cả một trời kỷ niệm, lúc lại chỉ là tiếng rè rè không rõ lời.
Những ngày tháng kiên cường chiến đấu với bệnh tật
Năm 2022, lần đầu nội nhập viện vì bệnh nặng. Nội nằm đó, tỉnh táo, nhưng xung quanh lại là máy móc, dây nhợ chằng chịt. Trong lòng mình là một nỗi sợ không gọi tên được. Lần đầu tiên mình thấy rõ: mình có thể mất nội.
Nhưng nội không để điều đó xảy ra. Bà hồi phục – chậm rãi, vững vàng. Từng bước tập đi, từng lần xoay người, từng hơi thở gắng gượng – nội đều vượt qua, như cách bà từng đi bộ năm nào, tìm ông trong vô vọng.
Rồi tới Giỗ Tổ Hùng Vương 2025 vừa rồi, nội lại phải nhập viện vì cơn tai biến. Và một lần nữa, nội vượt qua, rồi về nhà cùng con cháu.
Nhưng chỉ 1 tuần sau, nội phải nhập viện lần nữa vì bệnh cũ tái phát. Cả nhà lại hoảng hốt. Lần này, nội lại yếu hơn, tưởng chừng không gượng nổi. Vậy mà nội vẫn vượt qua và hồi phục một cách bất ngờ.
Hôm nọ, nội đã có thể tự gượng để ngồi, vẫn minh mẫn cùng cả nhà xem Lễ Kỷ niệm 50 ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nụ cười thì vẫn sang sảng như mọi khi. Sáng 1/5, với sự hỗ trợ của con cháu, nội chầm chậm bước từng bước nhỏ, tỉnh táo đọc báo để cập nhật thời sự. "Nội mạnh mẽ lắm à nha", nội thỉnh thoảng khoe với mình, cùng với đó là nụ cười sang sảng của "bà Tám cười" - biệt danh mà ông đặt cho bà.


Nhìn nội, mình hiểu ra: Sự kiên cường, đôi khi nó nằm trong cách một người phụ nữ lặng lẽ gánh cả gia đình qua năm tháng chiến tranh, nằm trong ý chí vượt qua bạo bệnh, nằm ở nỗ lực tập đi lại khi tuổi đã 92, trong cách nội không ngừng gượng dậy, dù cuộc đời đã nhiều lần đẩy bà đến sát mép vực.
Nội chưa từng yếu đuối! Với mình, nội chính là hình ảnh sống động nhất của hai chữ “kiên cường”.
TPHCM, 01/05/2025
Mời bạn xem thêm về cuộc đời của ông và bà tại link này: https://www.youtube.com/watch?v=wFYjUfANytk
Yorumlar